BỘ QUY TẮC XỬ LÝ CÁO BUỘC NGƯỜI LỚN NGƯỢC ĐÃI TRẺ EM
GIỚI THIỆU
Bộ quy tắc này cung cấp các cơ sở hướng dẫn ban lãnh đạo Trường Quốc tế Á Châu đưa ra những quyết định đúng đắn khi cần phải xử lý các cáo buộc ngược đãi trẻ em gây ra bởi giáo viên và những đối tượng người lớn khác hiện đang làm việc hay đã từng làm việc cho cộng đồng Trường Quốc tế Á Châu. Nội dung Bộ quy tắc được dựa trên “Bộ quy tắc xử lý cáo buộc ngược đãi trẻ em gây ra bởi giáo viên và những đối tượng người lớn khác tại các trường quốc tế”, được Lực lượng Đặc nhiệm Quốc tế về Bảo vệ Trẻ em (ITFCP) công bố vào tháng 9/2018.
MỤC ĐÍCH VÀ LÝ DO
Bộ quy tắc này chủ yếu nêu ra các quy trình báo cáo, xử lý những mối lo ngại về hành vi của một số đối tượng người lớn, đề xuất những bước cần làm trước khi xuất hiện cáo buộc, trong lúc cáo buộc được xử lý, và sau khi xử lý hoàn tất cáo buộc. Mặc dù Bộ quy tắc có thể được áp dụng cho mọi cáo buộc ngược đãi trẻ em gây ra bởi giáo viên hay bất cứ người lớn nào khác, không nhất thiết phải áp dụng toàn bộ các bước được nêu hay thực hiện theo đúng theo trình tự nêu ra bên dưới. Mỗi trường hợp khác nhau có thể được xử lý khác nhau và cần tham khảo thêm ý kiến khi cần.
NGUYÊN TẮC CHUNG
Để xử lý cáo buộc hiệu quả, nhà trường cần tuân thủ ba nguyên tắc nghĩa vụ sau:
1. Nghĩa vụ đối với học sinh: đảm bảo an toàn cho học sinh, đặt quyền lợi của nạn nhân và học sinh tại trường lên hàng đầu. Nguyên tắc này cần được ưu tiên nhiều hơn so với hai nguyên tắc còn lại, và những học sinh bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ kịp thời nhằm:
• Đảm bảo việc học tập và cung cấp dịch vụ cho học sinh được liên tục, không bị gián đoạn;
• Đảm bảo quyền lợi của nạn nhân đóng vai trò chính yếu trong tiến trình ra quyết định;
• Nếu có thể, cân nhắc đến nguyện vọng, cảm xúc của nạn nhân khi ra quyết định, tuy quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người lớn; và
• Làm việc với phụ huynh, trừ khi làm vậy sẽ ảnh hưởng đến tình trạng phúc lợi của học sinh.
2. Nghĩa vụ đối với đối tượng bị cáo buộc: đảm bảo không vi phạm quyền lợi của họ (bao gồm cả quyền lao động và quyền lợi cá nhân). Trường phải thông báo cho người bị cáo buộc về nội dung cáo buộc và cho đối tượng cơ hội phản hồi.
3. Nghĩa vụ đối với pháp luật và các nghĩa vụ trình báo bắt buộc: đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam, sao cho những hành động kịp thời của nhà trường giữ được tính minh bạch cao nhất có thể cho những điều tra hình sự về sau.
Việc đưa ra quyết định dựa trên ba nguyên tắc này và thông báo rõ ràng những hành động sẽ thực hiện cho các bên liên quan sẽ bảo vệ uy tín cho Trường Quốc tế Á Châu. Cần xem xét, cố gắng thực hiện đầy đủ ba nguyên tắc này trước khi ra quyết định. Trong mọi trường hợp, phải đảm bảo tình trạng phúc lợi của nạn nhân và các học sinh khác luôn là trên hết.
PHẢN ỨNG TRƯỚC CÁO BUỘC
Cần chú ý hoạt động điều tra của trường không được phép cản trở các cuộc điều tra hình sự được thực hiện bởi các đơn vị ngoài trường như cảnh sát hoặc cơ quan chức năng…. Khi xem xét và tiến hành điều tra hình sự, phía cảnh sát sẽ chỉ đạo trường cần thực hiện những gì. Cảnh sát mong muốn trường có thể thu thập chứng cứ và đảm bảo những bằng chứng, lời khai thu được đủ độ tin cậy.
Khi cáo buộc được đưa ra
Cáo buộc tồn tại dưới nhiều hình thức, bao gồm:
• Cáo buộc bằng văn bản soạn thảo bởi chính nạn nhân hoặc một thành viên trong cộng đồng nhà trường (một học sinh khác, cựu học sinh, nhân viên đang hoặc đã từng làm việc tại trường, phụ huynh…) có mô tả hoặc ngụ ý các hành vi không phù hợp của một hoặc một số đối tượng người lớn. Cáo buộc dạng này có thể được tiết lộ trong các cuộc trao đổi với nhà trường hay với các bên khác, trong bảng hỏi dành cho cựu học sinh…, hoặc trong các bài đăng trên mạng xã hội;
• Cáo buộc bằng lời hay bằng các phương tiện phi ngôn ngữ (như cách học sinh chơi trò chơi) của học sinh hay một thành viên cộng đồng nhà trường (một học sinh khác, cựu học sinh, nhân viên đang hoặc đã từng làm việc tại trường, phụ huynh…) tiết lộ toàn bộ hoặc một phần sự việc;
• Cáo buộc có được do theo dõi dịch vụ trao đổi thông tin với học sinh, nhân viên hay được báo cáo với trường từ cảnh sát, một thành viên hay một đơn vị ngoài trường có theo dõi các trang mạng xã hội liên quan;
• Khiếu nại pháp lý.
Trường Quốc tế Á Châu phải luôn phản ứng trước cáo buộc, bất kể đối tượng bị cáo buộc có là người “được kính trọng” hay ở chức vị cao, bất kể nạn nhân được xem là “khó xử” hay “gây rối” thế nào đi nữa. Cáo buộc được chủ ý thêu dệt là vô cùng hiếm. Nhà trường cũng cần xem xét kỹ lưỡng những cáo buộc nặc danh hoặc “có ác ý”, không được phép bỏ qua chúng chỉ vì người cáo buộc ẩn danh hay vì động cơ của người cáo buộc.
Những điều cần cân nhắc khi phản ứng trước lời tiết lộ:
• Khi học sinh tiết lộ bản thân em hoặc một học sinh khác đang hoặc đã từng bị ngược đãi, hãm hại, nhưng cảm thấy không thể thoải mái tiếp tục trò chuyện, cần phải hỏi xem học sinh có muốn trò chuyện với một người lớn khác làm em cảm thấy thoải mái hơn không, như nhân viên tham vấn tâm lý của trường hoặc giáo viên chủ nhiệm… chẳng hạn.
Chỉ hỏi những câu hỏi mở, không dẫn dắt để học sinh tự do bày tỏ, sau đó xác định tình trạng an toàn của học sinh và hỗ trợ hợp lý. Lưu ý chỉ hỏi về những thông tin chủ chốt để:
• Nắm được các thông tin cơ bản (Sự việc xảy ra ở đâu? Khi nào? Những người lớn nào có liên quan?)
• Xác định ngay xem học sinh có đang an toàn không; và
• Determine if the student needs immediate psychological or physical medical attention.
• Xác định xem học sinh có cần chăm sóc sức khoẻ tâm lý hay thể chất ngay lập tức hay không.
Trong trường hợp cáo buộc bằng văn bản về một vụ việc xảy ra cách đây khá lâu, cần phản ứng nhanh chóng, thân tình, tránh dùng những cách nói nặng tính pháp lý.
Hành động khẩn
• Thực hiện ngay các hành động cần thiết để bảo vệ học sinh trước những mối nguy và hiểm hoạ cận kề.
• Báo cáo ngay lập tức cáo buộc vừa xác lập theo các chỉ dẫn trong Chính sách Bảo vệ Trẻ em.
• Tất cả những nhân viên tiếp nhận cáo buộc cần ghi vào bản tường trình càng sớm càng tốt những thông tin:
➢ Giờ, thứ, ngày, tháng, năm, địa điểm tiếp nhận/phát hiện cáo buộc;
➢ Danh tính học sinh và đối tượng bị cáo buộc;
➢ Các chi tiết về thái độ, hành vi;
➢ Người tiếp nhận báo cáo; và
➢ Họ tên người báo cáo.
Cần đảm bảo ghi tường trình nhanh và chính xác nhất có thể từng câu chữ của học sinh khi tiết lộ về sự việc. Ghi ngày tháng báo cáo và ký tên bản tường trình. Những thay đổi, bổ sung cần được ghi vào bản tường trình đầu tiên sao cho không làm thay đổi những gì đã ghi nhận trước đó.
• Xác định người dẫn đầu nhóm phản ứng cáo buộc (hay “trưởng nhóm phản ứng”).
Kiêm nhiệm chức trưởng nhóm phản ứng là bất kỳ thành viên nào trong Ban Quản lý tại mỗi cơ sở. Trưởng nhóm lập ra một nhóm nhỏ có nhiệm vụ hỗ trợ trường tổ chức ứng phó các cáo buộc. Bản chất và quy mô nhóm phản ứng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có bản chất của cáo buộc. Khi thành lập nhóm, trưởng nhóm phản ứng cần:
(i) Tham khảo nguồn lực sẵn có của đội ngũ Trường Quốc tế Á Châu, đảm bảo nhóm phản ứng bao gồm những cá nhân có chuyên môn về bảo vệ trẻ em, giao tiếp, và nhân sự; và
(ii) Không nên lập nhóm phản ứng với quy mô lớn hơn mức cần thiết, tránh lan truyền thông tin quá rộng. Chức năng của nhóm phản ứng chỉ là tổ chức cách ứng phó của nhà trường trước cáo buộc.
Đánh giá hiểm hoạ và bảo vệ chứng cứ
Sau khi tham vấn với luật sư tư vấn riêng của Trường Quốc tế Á Châu cùng các đơn vị bên ngoài, trường cần ngay lập tức đánh giá mối nguy hiểm và bảo vệ chứng cứ. Trường có thể nhờ một nhân viên IT cấp cao hỗ trợ trong việc bảo vệ chứng cứ. Chẳng hạn, nhân viên IT có thể khoá quyền truy cập hệ thống mạng của trường đối với đối tượng bị cáo buộc trước khi thông báo người này về sự việc hay thu giữ email và các tài khoản số của đối tượng trước khi hạn chế truy cập hoàn toàn. Một khi đã hạn chế truy cập, các nhân sự IT không được phép can thiệp vào các hệ thống và thiết bị ngoại tuyến nữa. Bằng chứng được lưu giữ sẽ được chuyển cho các cơ quan ngoài trường hay cho cá nhân có nhiệm vụ điều tra.
Đánh giá và phản ứng ban đầu
Báo cáo với cơ quan ngoài trường
Hiệu trưởng sau khi tham vấn luật sư riêng của Trường Quốc tế Á Châu sẽ quyết định có báo cáo sự việc và liên hệ với các cơ quan ngoài trường hay không.
Bước đầu xem xét cáo buộc
Tuỳ vào bản chất cáo buộc, trường có thể phải thực hiện một số bước xem xét cáo buộc sơ bộ trước khi ra quyết định hành động như rà soát hồ sơ nhân sự và các hồ sơ bảo vệ trẻ em, liên lạc với người giới thiệu đối tượng bị cáo buộc hay với các đồng nghiệp cũ nơi đối tượng từng dạy học. Lưu ý rằng những hành động này chỉ được phép thực hiện sau khi tham khảo ý kiến Hiệu trưởng và bên pháp lý.
Bảo vệ, che chở học sinh
Sau khi ghi nhận cáo buộc, nhà trường cần:
• Xem xét nguyện vọng của học sinh, lắng nghe xem học sinh muốn được hỗ trợ bởi những ai trong trường, ngoài trường.
• Sau khi tham vấn luật sư riêng của Trường Quốc tế Á Châu và các cơ quan ngoài trường, xác định và bảo vệ các nạn nhân khả dĩ khác trong và ngoài cộng đồng nhà trường (tại địa phương hay thậm chí ở nước ngoài).
• Thông báo với các nhân viên, phụ huynh, và học sinh khác khi thực sự phù hợp (trong chừng mực có thể) về cáo buộc, khuyến khích họ chia sẻ thêm những quan ngại xoay quanh đối tượng bị cáo buộc. (Lưu ý: Cần tham vấn ý kiến luật sư riêng của Trường Quốc tế Á Châu và các cơ quan ngoài trường trước khi ra bất cứ quyết định lan truyền thông tin nào.)
Chia sẻ, lan truyền thông tin
• Hiệu trưởng cần báo với Hội đồng Quản trị để quyết định nên thông báo cáo buộc cho những bên nào, đảm bảo không tiết lộ thông tin có khả năng cản trở các cuộc điều tra về sau hay vi phạm quy định bảo vệ thông tin, vi phạm quyền của học sinh và nhân viên trường.
• Trưởng nhóm phản ứng cần cập nhật thường xuyên diễn tiến mới nhất cho Hiệu trưởng.
• Trường cần chỉ định một cá nhân thuộc nhóm phản ứng đảm nhiệm việc liên lạc, thông báo. Cá nhân này cần nắm mọi thông tin, bảo mật những thông tin này, đảm bảo thông tin không lọt ra ngoài cho đến khi cần được thông báo.
• Trường cần tham vấn luật sư riêng của Trường Quốc tế Á Châu và các cơ quan ngoài trường trước khi trao đổi, cập nhật thông tin đến các bên, bao gồm cả nạn nhân và gia đình nạn nhân, đối tượng bị cáo buộc, các nhân viên và các thành viên khác trong cộng đồng nhà trường, và/hoặc báo chí truyền thông.
Lưu giữ hồ sơ
• Nhà trường nên lập hồ sơ sự việc có ghi lại ngày giờ, tóm tắt những nội dung trao đổi với bên tư vấn pháp lý và các cơ quan ngoài trường, ghép với bản theo dõi hành động ghi chi tiết những hành động trường đã thực hiện cũng như các bước đưa ra quyết định.
• Hồ sơ này cần được bảo mật an toàn, chỉ một số ít người có tên trong danh sách mới tiếp cận được. Bản tường trình cáo buộc và kết quả điều tra cũng cần được lưu giữ trong hồ sơ nhân sự của đối tượng bị cáo buộc, ngay cả khi đối tượng đã không còn làm việc cho trường.
Quyết định hành động: cơ quan ngoài trường điều tra hay trường tự điều tra?
Sau khi tham vấn luật sư riêng của Trường Quốc tế Á Châu cùng các đơn vị bên ngoài, nhà trường nên cân nhắc hai tình huống sau. Tuỳ theo diễn biến thực tế, trường có thể linh động chuyển sang tình huống còn lại. Quyết định không điều tra đến cùng hay không có biện pháp xử lý có thể là kết quả của nhiều yếu tố như thiếu chứng cứ, sai sót trong quy trình xử lý, có dấu hiệu hối lộ, tham nhũng, hay chưa đủ chứng cứ khép tội hình sự. Song, những quyết định này không có nghĩa đối tượng bị cáo buộc không thực hiện hành vi ngược đãi và/hoặc đối tượng bị cáo buộc vẫn thích hợp cho những công việc tiếp xúc với trẻ em.
Trường hợp 1 – Cơ quan ngoài trường điều tra cáo buộc
Cảnh sát tiến hành điều tra hình sự nhằm xác định liệu người bị cáo buộc có vi phạm hình sự hay không.
Những điều trường cần làm tiếp theo:
• Phối hợp với cơ quan ngoài trường đảm bảo tiến trình điều tra không bị can thiệp, cản trở. Các cơ quan hành luật tại Việt Nam có thể không chia sẻ nhiều thông tin cho nhà trường nhằm bảo vệ tính minh bạch của cuộc điều tra, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân. Nhưng trường vẫn nên giữ liên lạc với cơ quan điều tra một cách thường xuyên nhất có thể.
• Trường cũng có thể tiến hành tự điều tra trong lúc cơ quan ngoài trường mở cuộc điều tra hình sự hay sau khi cuộc điều tra hình sự kết thúc.
Trường hợp 2 – Cơ quan ngoài trường không điều tra cáo buộc
Trường có báo cáo sự việc cho các cơ quan ngoài trường, nhưng các cơ quan này quyết định không điều tra.
Những điều trường cần làm tiếp theo:
• Ngay cả khi cơ quan ngoài trường không tiến hành điều tra, những khuyến nghị họ cung cấp cho trường cần được tuân thủ, bám sát hết mức có thể.
Tự điều tra – Cân nhắc tính phù hợp
Khi cơ quan ngoài trường không tiến hành điều tra hay khi cuộc điều tra không đưa ra kết luận cụ thể, trường có thể tiến hành tự điều tra nhằm xác định những thông tin xác thực và hành động phù hợp, từ đó quyết định đối tượng bị cáo buộc có thích hợp làm việc với trẻ em hay không. Tiến trình tự điều tra phải chú trọng đến những chứng cứ làm dấy lên quan ngại về hành vi lệch chuẩn nghề nghiệp, song cũng cần chú ý tới những chứng cứ củng cố cho sự trong sạch của đối tượng bị cáo buộc. Trường cần cố gắng giữ cho đối tượng hợp tác điều tra, bởi kết quả cuối cùng sẽ cho thấy có phù hợp khi cho phép đối tượng tiếp tục được ở bên cạnh trẻ em hay không. Vì bất kỳ kết luận lệch chuẩn nghề nghiệp nào cũng đều có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng bị cáo buộc, khiến họ bị thôi việc hay khó tìm việc trong tương lai, trường cần đảm bảo quy trình tự điều tra phải được thực hiện đúng quy tắc và tìm hiểu, xem xét tất cả các lời khai khác nhau thật triệt để.
Trường cần làm gì khi đối tượng bị cáo buộc xin từ chức?
Trường cần thông báo với các cơ quan đang trực tiếp điều tra cáo buộc về vụ việc này. Cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục tiến hành nhằm xác định đủ các thông tin xác thực giúp đúc kết được kết luận cuối cùng. Qua đó, trường có thể giao đối tượng bị cáo buộc cho các cơ quan địa phương hay quốc gia xử lý, hoặc báo cáo đến quốc gia gốc của đối tượng nếu đối tượng không phải người Việt Nam. Nội dung cáo buộc và kết quả điều tra nên được công bố trong các thư giới thiệu, ứng cử sau này của đối tượng.
Những điểm quan trọng cần ghi nhớ
• Trường không được để cho đối tượng bị cáo buộc “ra đi thầm lặng”.
• Trường không được phép ký kết các thoả thuận bảo mật thông tin hay thoả thuận dàn xếp nếu thoả thuận đó cản trở tiến trình điều tra, ngăn trường báo cáo với các cơ quan bên ngoài, hay ngăn trường công bố nội dung cáo buộc trong những thư giới thiệu trường viết.
• Trường không được phép để cho đối tượng đi ra nước ngoài khi đối tượng vẫn đang bị điều tra.
• Trường không được khuyến khích đối tượng từ chức.
• Trường không được phép huỷ gia hạn hợp đồng của đối tượng như một biện pháp xử lý vấn đề.
Khi xử lý vấn đề, trường nên tránh để các học sinh khác gặp nguy hiểm hay chuyển trách nhiệm xử lý cho một trường khác. Uy tín Trường Quốc tế Á Châu có thể bị ảnh hưởng nếu vụ việc bị phanh phui và nhà trường bị phát hiện đã không có hành động thích hợp hay đối xử không công bằng với một nhân viên vô tội, để họ chịu thiệt thòi từ những dè bỉu, đồn đoán, từ đó mất đi sự nghiệp.
Ra quyết định
Một khi trường đã hoàn thành tự điều tra, hay khi cơ quan ngoài trường đã cung cấp đầy đủ thông tin giúp trường đưa ra quyết định về tình hình tuyển dụng đối tượng bị cáo buộc, trường cần tham vấn luật sư riêng của Trường Quốc tế Á Châu và căn cứ Chính sách bảo vệ trẻ em và các quy định kỷ luật để hành động thích hợp. Nếu xác định đối tượng bị cáo buộc có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, trường buộc phải dừng hợp đồng, cho thôi việc.
Cung cấp thư giới thiệu cho đối tượng bị cáo buộc
Không tiết lộ đúng kết quả điều tra cũng như lý do buộc thôi việc trong thư giới thiệu có thể tạo kẽ hở khiến một học sinh nào đó gặp nguy hiểm trong tương lai. Các trường khác tuyển dụng đối tượng cũng có thể tố cáo trường không trung thực trong thư giới thiệu. Uy tín của Trường Quốc tế Á Châu cũng có thể giảm sút bởi thực tế là trường đang thuyên chuyển công tác một nhân viên không phù hợp làm việc với trẻ em cho một đơn vị khác.
Phục chức và tổ chức tái hoà nhập đối với đối tượng bị cáo buộc
Cá nhân bị cáo buộc chỉ được phục chức khi nhà trường có đủ bằng chứng cho thấy cá nhân đó không gây nguy hiểm nào cho trẻ, và vì vậy không cần phải áp lệnh hạn chế tiếp cận, làm việc với trẻ em sau khi phục chức. Cá nhân đó có thể phải tham gia các buổi tập huấn về giới hạn tương tác trong nghiệp vụ và được theo dõi sát sao sau khi phục chức nhằm đảm bảo vi phạm các chuẩn mực ứng xử không tái diễn. Nếu đối tượng bị cáo buộc đang nghỉ việc tạm thời và/hoặc nội dung cáo buộc bị lan truyền rộng rãi, trường cần tìm cách thông báo cho toàn bộ cộng đồng về vấn đề phục chức và hỗ trợ cá nhân này có thể trở lại công việc bình thường và tái hoà nhập với cộng đồng nhà trường.
Chính sách được Hiệu trưởng phê duyệt. Ngày: 29/7/2023