Học sinh tập làm Thầy cô giáo

Cũng áo quần bảnh bao, thắt caravat, vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng khi dạy, “thầy” vụng về làm rơi đồ, quên bài giảng, có khi không biết trò nói đúng hay sai…
Vì chỉ mới 7, 8 tuổi, nhiều cô cậu đã đóng vai trò là thầy, cô giáo. Học trò là bạn bè của “thầy” và học trò cũng là ban giám khảo. Lớp học "lạ" này được tổ chức mỗi tháng 2 lần, học sinh thay phiên nhau làm thầy, cô giáo tại Trường tiểu học quốc tế IPS (Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM).

“Thầy” cười nhe răng sún..

“Bạn Trí làm thầy giáo rất tốt, dạy rất hay. Buổi học hôm nay con thấy rất vui” – Đó là những lời bình luận từ Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh lớp 1/7 sau buổi học Toán do “thầy” Nguyễn Thiên Trí (học cùng lớp với Nguyên) đứng lớp.


"Thầy" Thiên Trí cùng học trò học nhóm

Mở đầu buổi học, “thầy” Trí được cô giáo chủ nhiệm dẫn lên bục giảng, bàn tay cô giữ chặt vai Trí trong vài giây để Trí vững tin, rồi cô xuống lớp làm vai trò là giáo viên dự giờ.

Trí hôm nay được ăn mặc khác hẳn các bạn. cậu không mặc quần ngắn như mọi hôm, mà được diện bộ com-lê, thắt caravat trông rất… “bảnh bao”.

Mở đầu buổi học, Trí khuấy động không khí lớp học bằng bài hát cho cả “thầy” và trò cùng múa và hát. Chốc chốc, “thầy” nhe hàm răng sún ra cười trong khi nhìn học trò. Kế đó, những trò chơi do Trí tạo ra khiến lớp sôi động hẳn.

Trong tiết dạy khoảng chừng 15 phút, có lúc, “thầy” làm rơi cả dụng cụ giảng dạy xuống đất rồi lon ton đi nhặt. Có lúc, “thầy” quên bài giảng, phải đứng nghĩ vài giây mới nhớ ra. Có khi, trò trả lời rồi, thầy không biết đúng hay sai, phải đứng ngẩn ra một lúc mới nhận xét là đúng.

Tâm sự về buổi đứng lớp của mình, Trí nói: “Khi con làm thầy giáo, con không thấy sợ gì cả. Bài giảng này con được cô hướng dẫn nên không thấy khó và mệt”.

Dù trong lúc dạy có phần hậu đậu, nhưng Trí được các bạn đánh giá là người làm thầy giáo tốt nhất lớp và là người khá mạnh dạn.

Khi học trò khen "thầy"...quá chuẩn!

Khác hẳn với vẻ bẽn lẽn, trẻ con của “thầy” Trí, “thầy” Lâm Triều Vỹ, học sinh lớp 2/20 tỏ ra chững chạc và già dặn hẳn so với “đàn em”. Trước khi buổi học diễn ra, “thầy” Vỹ đứng ngoài lớp, bám lấy cô giáo không rời, luôn miệng kêu “con hồi hộp quá!”.


"Thầy" Triều Vỹ được học trò khen quá... "chuẩn".

Hôm nay, Vỹ đảm nhận vai trò thầy giáo môn Tiếng Anh. Đây là lần đầu tiên, Vỹ làm thầy giáo nên cậu rất lo lắng. Giáo án đã được Vỹ soạn chỉnh chu từ trước. Bên ngoài giáo án, cậu còn vẽ bức tranh có cây, sông, trăng, mây, thuyền… Nội dung bài giảng được chia ra 5 phần rõ ràng với phương pháp dạy, cách cho học trò thực hành, chơi trò chơi...
Chuẩn bị xong mọi thứ, Vỹ hít một hơi dài bắt đầu cho tiết đứng lớp của mình.
Cánh cửa vừa hé mở, “thầy” Vỹ trịnh trọng bước vào lớp. Với vẻ mặt nghiêm nghị, “thầy” yêu cầu cả lớp đứng và chào: “Good morning teacher!” (Chào thầy buổi sáng). Thầy chào lại học trò, cám ơn và quay lên bảng, bắt đầu bài giảng của mình.
Với đôi mắt, dáng vẻ, cử chỉ… bắt chước y chang từ người thầy dạy tiếng Anh của lớp. Nhìn Vỹ, không ai nghĩ cậu đang rất hồi hộp. Ngược lại, nhìn cậu hết sức tự tin.
Để dễ gọi tên từng học sinh, các bạn trong lớp được đặt một tên tiếng Anh riêng và đeo trước trán. “Thầy” Vỹ với ánh mắt nghiêm khắc gọi từng trò lên bảng. Trong khi chờ trò làm bài, “thầy” đứng khoanh tay, không nói gì.
Đến phần cho các bạn chơi trò chơi, có 2 bạn đưa ra cùng đáp án, “thầy” Vỹ băn khoăn đảo mắt về phía “thầy thật” của mình ở cuối lớp cầu cứu. Bắt gặp ánh mắt đó, thầy giáo ra hiệu cho Vỹ chấm ngang điểm cho cả hai bạn.
Kết thúc bài giảng, Vỹ đĩnh đạc đi xuống yêu cầu cả lớp đứng và chào “thầy” lần nữa.
Chia sẻ về cảm xúc được làm thầy giáo, Vỹ cho biết cậu rất sợ hãi vì đây là lần đầu tiên đứng trên bục giảng với tư cách là thầy giáo.

Vỹ nhận xét về nghề giáo: "Con nghĩ nghề giáo là một nghề hấp dẫn, và cũng là nghề rất tốt để lựa chọn. Nếu ai đó thích trẻ con, thì sẽ thích nghề giáo thôi.."

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Anh, giáo viên của trường: phong trào học sinh làm thầy, cô giáo giúp học sinh tự tin phát biểu trước đám đông, biết cách quản lý lớp và hiểu, yêu quý nghề giáo hơn.

Học làm thầy, cô giáo là một trong những bài học của học sinh từ lớp 1 – 5.

Đối với học sinh lớp 1, học sinh sẽ được thầy, cô giáo hướng dẫn để soạn bài và cách truyền tải bài dạy. Riêng học sinh lớp 2 đến lớp 5 phần lớn tự soạn bài và bắt chước thầy, cô cách giảng. Gọi là tiết học làm thầy, cô giáo, nhưng học sinh chỉ phải đứng lớp 15 – 30 phút tuỳ theo lứa tuổi và giảng một phần nào đó trong bài học.
Buổi học vẫn có sự quan sát của thầy, cô giáo là người lớn. Vì đôi khi, những “thầy cô tí hon” cần được tư vấn trong những trường hợp “thầy” không biết trò trả lời đúng hay sai, hoặc không phân biệt được trò nào nhanh tay, nhanh mắt hơn…

Minh Quyên và Anh Khoa -Theo Vietnam.net